Nhìn nhận về tài sản ảo



Người Việt Nam xưa ít khi bàn đến chuyện chơi, có chăng cũng chỉ là chuyện chơi cây cảnh, chơi chữ, chơi đồ cổ... những thú vui được xếp vào hàng tao nhã của các vị có học. Còn với những người dân thường thì sao? Họ có một thú chơi đặc biệt đó là … “chơi không”, họ “chơi không” tức là họ đang không phải vất vả làm việc gì cả, họ “chơi không” có nghĩa là họ đang được nghỉ ngơi một chút xíu, họ “chơi không” không phải là họ đang được giải trí bằng một thú chơi, hay một trò chơi nào cả. Dần dà, khi không còn quá vất vả nữa, người Việt Nam cũng quan tâm đến việc chơi hơn, chơi là để giải trí, là để bớt căng thẳng. Thời đại ngày nay, trong vòng xoáy của kinh tế thị trường với sự phổ biến của công nghệ thông tin, với sự phát triển của công nghệ giải trí, chơi có khi không còn bớt được căng thẳng nữa mà nó lại gây ra nhiều căng thẳng cho con người. Vấn đề đang khá “nóng” và gây căng thẳng cho nhiều người từ các nhà lập pháp tới các nhà cung cấp dịch vụ trò chơi đến các người trực tiếp tham gia chơi ở Việt Nam hiện nay là vấn đề giải quyết các tranh chấp phát sinh từ trò chơi trực tuyến. Hiện nay các trò chơi trực tuyến ngày một phổ biến thu hút một số lượng đông đảo người chơi, cùng với nó là sự trao đổi mua bán tài sản ảo với số lượng ngày một nhiều và giá trị ngày một lớn (có nhiều tài sản ảo có giá đến tiền triệu, chục triệu, thậm chí cả tỷ đồng). Kèm theo đó là hàng loạt các vấn đề nảy sinh mà chúng ta chưa giải quyết cho hợp lí, nổi cộm trong đó là những tranh chấp liên quan đến tài sản ảo. Thực tế đó đòi hỏi chúng ta phải nhìn nhận lại vấn đề này một cách thật nghiêm túc.
1. Vài nét sơ lược về tài sản ảo
Về cơ bản, tài sản ảo được hiểu là tài sản có được khi chơi game online như vũ khí, quần áo, ngân lượng, kim hoàn, đất đai hay những thứ hàng hóa khác được cho là có “giá trị” hoặc thậm chí là chính bản thân nhân vật tồn tại trong một thế giới của một trò chơi trực tuyến nào đó. Mỗi vật phẩm có thể được sử dụng, sang nhượng hay buôn bán trong thế giới ảo để tăng cường công lực và cấp bậc cho nhân vật của người chơi. Bản chất và đặc tính của những loại vật phẩm này có thể biến đổi đối với từng lại trò chơi trực tuyến khác nhau.
Về bản chất tự nhiên, tài sản ảo là có thể hiểu là một phần của một chương trình phần mềm máy tính. Bất cứ một chương trình phần mềm nào cũng được viết dưới một ngôn ngữ lập trình nào đó (các chương trình tồn tại được trên mạng thì nó phải được viết dưới dạng một trong các ngôn ngữ như ASP, PHP, HTML, C++…). Các phần mềm đó là một chuỗi các con số nhị phân, khi một người chơi đăng kí chơi, họ sẽ được cung cấp một tài khoản mà thực chất đó là cũng là những con số nhị phân. Các vật dụng trong trò chơi thực ra cũng là các con số nhị phân. Tất cả các dữ liệu này đều được lưu trữ trong máy chủ. Và người chơi có thể chơi online được là nhờ thông tin được truyền trên hệ thống mạng dựa vào các giao thức định tuyến (như RIP, EIGRP, OSPF …). Các tài khoản đều được máy chủ quản lí thông qua ngôn ngữ lập trình, nói chung tất cả hệ thống đều hoạt động dựa trên các câu lệnh, tập hợp của nhiều câu lệnh là một đoạn mã. Account, nhân vật, vũ khí, ngân lượng, ngựa, quần áo… tất cả chỉ là những đoạn mã của một chương trình phần mềm máy tính.
Về giá trị : Tài sản ảo trở nên có giá trị vì nó đáp ứng được những nhu cầu nhất định của người chơi, nó tạo những hiệu ứng đẹp mắt, nó cũng giúp người chơi dễ dàng lên cấp bậc… và những tác dụng khác nữa nhưng tóm lại là nó góp phần làm cho việc giải trí của người chơi được tốt hơn.
2. Tài sản ảo có tính hàng hóa ?
Tính hợp lí của việc trao đổi mua bán tài sản ảo phụ thuộc vào sự vốn có của tính hàng hóa tồn tại trong nó. Để có thể giao dịch và trao đổi được tài sản ảo phải được coi là hàng hóa. Hàng hóa là sản phẩm của lao động, thỏa mãn được nhu cầu nào đó của con người thông qua mua bán và trao đổi. Hàng hóa có thể ở rất nhiều dạng: hữu hình như lương thực thực phẩm, sắt thép, vô hình như các loại hình dịch vụ. Song bất cứ loại hàng hóa nào cũng phải là sản phẩm của lao động và có hai thuộc tính cố hữu đó là giá trị sử dụng và giá trị.
Tài sản ảo có giá trị sử dụng?
Tài sản ảo để được coi là có giá trị sử dụng thì nó phải có một công dụng nào đó để thỏa mãn nhu cầu của con người. Cơ sở của giá trị sử dụng đó là những thuộc tính tự nhiên của tài sản. Tài sản ảo đã mang lại giá trị tinh thần cho người chơi, có được tài sản ảo các hình ảnh trong trò chơi sẽ trở nên đẹp mắt hơn, người chơi cũng dễ dàng lên cấp bậc hơn, người chơi cảm thấy hứng thú hơn. Giá trị sử dụng của tài sản ảo hoàn toàn do tâm lí của người chơi mang lại, không phải là do các đặc tính tự nhiên có thể dùng được trong đời sống xã hội như các hàng hóa khác. Giá trị sử dụng đó hoàn toàn phụ thuộc vào việc trò chơi đó còn tồn tại hay không, và nếu như trò chơi đó không còn tồn tại thì tài sản ảo trở nên vô nghĩa, nó không còn tác dụng gì nữa. Như vậy giá trị sử dụng của tài sản ảo bị chi phối bởi rất nhiều thứ, sự tồn tại của nó có lẽ là rất mong manh.
Tài sản ảo có giá trị?
Rõ ràng là tài sản ảo đang được đem đi trao đổi và có thể nhận thấy là nó đang có giá trị trao đổi. Tuy nhiên giá trị trao đổi chỉ là cái vỏ, cái hình thức biểu hiện bề ngoài của giá trị, vậy nên không vì tài sản ảo có thể mang đi trao đổi mà có thể khẳng định rằng nó có tính giá trị mặc dù cơ sở của giá trị trao đổi là giá trị. Giá trị của hàng hóa là lao động xã hội được kết tinh trong đó. Có nhiều người nghiền game quả quyết rằng tài sản ảo có được là do lao động, vất vả lao động mà có. Họ cho rằng họ đã bỏ thời gian, đã bỏ tâm huyết, đã bỏ chi phí (tiền điện cho máy tính, tiền để mua thẻ chơi…), đã bỏ cả công sức để chơi và như vậy là họ đã lao động để tạo ra tài sản ảo. Tuy nhiên, cũng để tạo ra những thứ như vậy, nhà cung cấp trò chơi chỉ cần tạo một dòng lệnh, việc này vô cùng đơn giản, nó không thể được tính là lao động. Mặc dù pháp luật đã có qui định các nhà cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến không được khởi tạo các tài sản có giá trị trong trò chơi với mục đích kinh doanh thu lợi[1] và các nhà cung cấp dịch vụ cũng đã cam kết sẽ không tạo các tài sản ảo như vậy. Tuy nhiên dù thế thì đó cũng chỉ là việc quản lí, còn với bản chất của nó thì tài sản ảo vấn có thể đươc tạo ra mà không phải do lao động. Và như vậy ta có thể thấy tài sản ảo hoàn toàn không phải là được kết tinh bởi lao động xã hội. Chính vì thế mà nó không có tính giá trị.
Từ những điều trên có thể khẳng định rằng tài sản ảo đang không có đầy đủ tính hàng hóa.
3. Tính pháp lí của tài sản ảo
Để có thể giải quyết được các tranh chấp có liên quan đến tài sản ảo không thể không xem xét tính pháp lí của nó. Việc công nhận tài sản ảo là tài sản có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc xem xét tính pháp lí của của tài sản ảo.
Trong khoa học pháp lí không có khái niệm thống nhất về tài sản, cũng không có tiêu chí chung để dựa vào đó xác định đối tượng nào đó có phải là tài sản hay không. Những loại tài sản hiện nay được thừa nhận trong Bộ luật dân sự (vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản - Điều 163 BLDS) là kết quả của quá trình phát triển lưu thông dân sự, được thừa nhận và thể hiện trong các qui định của pháp luật. Đối chiếu với các loại tài sản được thừa nhận trong bộ luật dân sự, dễ dàng nhận thấy tài sản ảo không phải là tiền, là giấy tờ có giá, là vật, nó có bản chất “rất gần” với quyền tài sản[2] và rất nhiều người cho rằng việc thừa nhận nó là một loại tài sản cũng là rất hợp lí[3].
Việc xem xét tính chất pháp lí của tài sản ảo, theo người viết có thể đi theo hai hướng:
Hướng thứ nhất: Tài sản ảo phát sinh trên cơ sở hợp đồng dịch vụ giữa nhà cung cấp trò chơi và nguời chơi. Vì vậy có thể coi nó là một phần của loại hình dịch vụ mà người chơi được cung cấp. Người chơi có quyền với tài sản ảo, đó chính là quyền sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên quyền này chỉ đơn thuần là quyền của một bên theo qui định của hợp đồng dân sự thôi, việc quyền này có thể giá trị bằng tiền và chuyển giao trong giao lưu dân sự được hay không hoàn toàn phụ thuộc vào nội dung của hợp đồng. Trên thực tế, các hợp đồng dịch vụ của người chơi với nhà cung cấp dịch vụ thường có nội dung mang tính hạn chế thậm chí không cho phép việc tài sản ảo được qui đổi ra tiền và chuyển giao trong giao lưu dân sự. Vậy việc coi tài sản ảo là quyền sử dụng dịch vụ và là quyền tài sản trong thời điểm hiện nay còn chưa hợp lí.
Hướng thứ hai: Xét về bản chất tự nhiên thì tài sản ảo là một phần của một chương trình phần mềm máy tính, việc thừa nhận tài sản ảo là một phần của chương trình phần mềm máy tính có ý nghĩa quan trọng trong việc xem xét tính pháp lí của tài sản ảo. Dưới góc độ đó chương trình trò chơi là phần mềm máy tính, có thể coi nó là chương trình máy tính[4], - một trong những loại hình tác phẩm được bảo hộ theo Luật sở hữu trí tuệ. Tác giả của chương trình máy tính đó được bảo hộ quyền tác giả (trong đó có quyền tài sản). Quyền tài sản của chủ sở hữu tác phẩm không phải là tác giả (bao gồm cả nhà cung cấp dịch vụ trò chơi hợp pháp) cũng được bảo hộ. Quyền của người chơi trong trường hợp này có thể được coi là quyền liên quan, đó cũng là một loại quyền tài sản, tuy nhiên hiện chưa có một văn bản nào qui định về nó, và nó cũng chưa được bảo hộ theo qui định của Luật sở hữu trí tuệ. Và vì vậy chưa có cơ sở pháp lí cho việc chuyển giao tài sản ảo. Nên theo hướng này thì tài sản ảo cũng chưa được coi là quyền tài sản.
Theo pháp luật Việt Nam hiện tại, tính pháp lí của tài sản ảo còn chưa được qui định rõ ràng, tuy nhiên tính pháp lí của tài sản ảo có thể thay đổi hoàn toàn nếu như có qui định pháp luật bảo hộ tài sản ảo.
4. Tài sản ảo và vấn đề bảo hộ
Dù có được pháp luật cho phép hay không thì việc giao dịch mua bán trao đổi tài sản ảo vẫn đang diễn ra với giá trị ngày một lớn, thậm chí có cả những sàn đấu giá tài sản ảo[5]. Các tranh chấp về tài sản ảo cũng đang diễn ra và vì chưa có qui định pháp luật nên việc giải quyết các tranh chấp này thường làm cho những người có tranh chấp cảm thấy không thỏa đáng. Hơn nữa gần đây cũng đã có nhiều hành vi vi phạm pháp luật, thậm chí là phạm tội có liên quan đến tài sản ảo. Việc pháp luật qui định chế độ pháp lí với tài sản ảo như thế nào đang được dư luận quan tâm. Nhiều ý kiến cho rằng nên bảo hộ cho tài sản ảo.
Bảo hộ tài sản ảo - những vấn đề vướng mắc gặp phải do bản chất của chính đối tượng.
Thứ nhất do bản chất tự nhiên của tài sản ảo mà sự tồn tại của nó rất mong manh, việc tồn tại nó hoàn toàn phụ thuộc vào hệ thống máy tính. Và khi có một lỗi nào đó làm mất mát tài sản ảo thì việc qui kết trách nhiệm trở nên vô cùng khó khăn.
Thứ hai do tài sản ảo không có bản chất hàng hóa, chính vì thế mà việc giá trị được bằng tiền của nó là không hợp lí, tính có giá trị trao đổi của nó cũng rất chông chênh. Nếu như qui định bảo hộ cho tài sản ảo thì có thể hình dung rằng đến một ngày nào đó lượng tiền thực cũng không đủ để dùng cho việc trao đổi tài sản ảo.
Thứ ba nếu được công nhận bảo hộ, tài sản ảo sẽ trở thành tài sản, như vậy sẽ phát sinh rất nhiều quan hệ tài sản như quan hệ thừa kế, quan hệ về tài sản giữa vợ và chồng trong thời kì hôn nhân… nó còn liên quan cả đến việc quản lí tài sản của người chưa thành niên, đến năng lực hành vi dân sự của người chưa thành niên … rất nhiều các quan hệ pháp luật khác kéo theo mà do bản chất tự nhiên của tài sản ảo thì các quan hệ này sẽ trở nên rất rắc rối.
Bảo hộ tài sản ảo – có nên không?
Suy cho cùng, xét đến cùng thì tài sản ảo cũng chỉ nhằm để cho trò chơi trực tuyến trở nên hấp dẫn hơn. Việc bảo hộ cho tài sản ảo mà thực chất là việc pháp luật chính thức công nhận cho việc mua bán tài sản ảo bằng tiền thật sẽ làm giảm tính hấp dẫn của trò chơi. Thay vì phải ngồi chơi trong một thời gian dài, để tự mình đi qua các cấp độ của trò chơi thì một số người chơi chỉ cần bỏ tiền ra để lên một cấp độ cao hơn. Như vậy ý nghĩa của trò chơi, của việc giải trí sẽ trở nên méo mó.
Bảo hộ tài sản ảo còn có thể sẽ tạo ra tâm lí tiêu cực của người chơi khi nhìn vào hệ thống pháp luật. Dẫu chỉ là một trò giải trí, song cũng có nhiều người bị cuốn hút và bỏ nhiều công sức để chơi thì mới đạt tới những kết quả cao, trong khi các người chơi khác chỉ cần bỏ tiền ra và mua. Có lẽ sẽ có một số người nghĩ như vậy là không công bằng. Nếu pháp luật có qui định về bảo hộ cho tài sản ảo thì chẳng khác gì pháp luật đã tuyên bố bảo hộ cho sự không công bằng đó.
Giải pháp nào cho các vấn đề liên quan đến tài sản ảo.
Thật ra vấn đề lợi ích liên quan đến tài sản ảo chỉ bó hẹp trong một cộng đồng gồm những người chơi game và những người liên quan đến cộng đồng đó. Nhưng vấn đề đó đang gây nhiều dư luận có lẽ cũng vì những người chơi game có nhiều thời gian truy cập internet và thường xuyên đưa ra những ý kiến của mình trên phương tiện thông tin hiện đang có sức mạnh nhất. Tuy vậy sự bức xúc trong cộng đồng những người chơi game về sự “chậm trễ của việc đưa ra qui định về bảo hộ tài sản ảo” cũng như một số vấn đề nảy sinh trong xã hội ảnh hưởng đến cuộc sống của những người không chơi game đòi hỏi cần phải có những giải pháp cho vấn đề này.
Như đã phân tích thì theo người viết, không nên bảo hộ cho tài sản ảo, tuy nhiên phải có các biện pháp để giải quyết thỏa đáng các tranh chấp xảy ra. Theo người viết, do tài sản ảo có được dựa trên cơ sở của hợp đồng dịch vụ giữa người chơi và nhà cung cấp dịch vụ. Nên việc giải quyết các tranh chấp sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào nội dung của hợp đồng. Để đảm bảo cho tính chất giải trí thuần túy của trò chơi, các nhà cung cấp dịch vụ nên đưa ra qui định không công nhận mọi hành vi trao đổi mua bán tài sản ảo bằng tiền thật (giống như qui định trong hợp đồng của Vina Game). Nhà cung cấp dịch vụ cần tạo một số hiệu ứng để chắc chắn rằng người chơi đã nắm được nội dung hợp đồng để tránh những vấn đề thắc mắc sau này. Mọi hành vi vi phạm có liên quan đến tài sản ảo tùy từng trường hợp sẽ xử lí vi phạm hành chính, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu ở Việt Nam thực sự có những tranh chấp liên quan đến tài sản ảo mà gây hậu quả nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng thì vẫn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự theo tội sử dụng trái phép thông tin trên mạng và trong máy tính (điều 226), tội vi phạm các qui định về vận hành khai thác và sử dụng mạng máy tính điện tử (điều 225). Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đó hoàn toàn là vì mục đích bảo vệ trật tự an toàn công cộng chứ không nhằm bảo hộ cho tài sản ảo.
Nên nhìn nhận lại tài sản ảo theo đúng bản chất của nó, có như vậy mới có thể đưa ra những qui định phù hợp. Không thể chỉ dựa vào một số nhu cầu bức xúc trước mắt của một cộng đồng nhỏ mà đưa ra những qui định làm cho các quan hệ xã hội trở nên rắc rối.

[1] Xem khoản 5 điều 9 thông tư liên tịch số 60/2006/TTLT-BVHTT-BBCVT-BCA
[2] Điều 181 BLDS: Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự, kể cả quyền sở hữu trí tuệ.
[3] Tài sản ảo-từ nhận thức đến bảo hộ. TS Trần Lê Hồng. Tạp chí luật học số 7 năm 2007
[4] Khoản 1 điều 22 Luật sở hữu trí tuệ: “Chương trình máy tính là tập hợp các chỉ dẫn được thể hiện dưới dạng các lệnh, các mã, lược đồ hoặc bất kỳ dạng nào khác, khi gắn vào một phương tiện mà máy tính đọc được, có khả năng làm cho máy tính thực hiện được một công việc hoặc đạt được một kết quả cụ thể...”
[5] Xem: http://vietbao.vn/Vi-tinh-Vien-thong/Game-Online-Lan-dau-tien-dau-gia-tai-san-ao/30107592/217/

Comments

Popular posts from this blog

[Hack crack] Tổng hợp Google Dork

[Security] Internet blackout scheduled in protest of SOPA